Ranh giới nhiếp ảnh “thương mại” và nhiếp ảnh “nghệ thuật”
Phương Linh - Thứ bảy, 26/10/2024
Trong thời đại kỹ thuật số, chỉ cần với một chiếc điện thoại, ta có thể có được vô vàn bức ảnh theo sở thích. Chúng ta chụp ảnh đồ ăn, thời trang, phong cách sống để chia sẻ niềm vui của mình với mọi người hoặc để lưu giữ những kỷ niệm. Nhiếp ảnh trở nên khả dụng với tất cả mọi người kể từ khi smartphone xuất hiện.
Nhưng khi nhắc đến nhiếp ảnh chuyên nghiệp lại khác, lúc này nảy ra trong đầu chúng ta lại là những bức ảnh đậm chất nghệ thuật và mang nhiều ý nghĩa. Vậy còn những hình ảnh quảng cáo các sản phẩm như đồ gia dụng, thời trang, mỹ phẩm và cả đồ ăn có mang tính nghệ thuật hay không? Hay chúng chỉ là nhiếp ảnh thuần thương mại? Và đâu là ranh giới giữa nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh thương mại?
Nhiếp ảnh là gì?
Photography xuất phát từ tiếng Hy Lạp – photos graphos – có nghĩa là vẽ lại hay ghi lại ánh sáng, dựa vào quá trình tạo ra hình ảnh bằng cách tác động của ánh sáng với phim hoặc thiết bị nhạy sáng.
Trong khi đó, “Nhiếp ảnh” là một từ Hán Việt có nghĩa là “bắt lại hình ảnh”, có thể hiểu theo nghĩa “Hoa mỹ" hơn là cách lưu giữ những khoảnh khắc dễ biến mất khỏi trí nhớ của chúng ta. Chúng nắm bắt tâm trạng, tình cảm, cảm xúc, ghi lại câu chuyện. Lúc này, nhiếp ảnh giống như một làn gió trong lành và nó làm sống lại những kỷ niệm.
Nhiếp ảnh ban đầu là một phát minh kết hợp giữa vật lý (quang học) và hóa học, nên không liên quan đến nghệ thuật theo quan niệm ban đầu. Tuy nhiên, với thời gian, nhiếp ảnh phát triển thành một loại hình nghệ thuật thị giác, đặc biệt là dòng “nhiếp ảnh nghệ thuật” (Fine Art Photography) – sự giao thoa giữa nhiếp ảnh và hội họa. Ở đây, người nghệ sĩ sử dụng nhiếp ảnh để truyền tải thông điệp và cảm xúc, khác biệt với ảnh ghi chép hay thương mại. Từ “Photography” xuất phát từ tiếng Hy Lạp “photos graphos,” nghĩa là “vẽ bằng ánh sáng,” nhấn mạnh quá trình tạo hình qua tác động của ánh sáng. Trong tiếng Việt, “nhiếp ảnh” mang ý nghĩa “bắt lại hình ảnh,” như một cách lưu giữ những khoảnh khắc, cảm xúc, và kỷ niệm dễ phai mờ.
Từ lúc ra đời đến giờ, nhiếp ảnh nghệ thuật giành được nhiều sự săn đón, hưởng ứng bởi “đã là con người, ai cũng yêu cái đẹp". Bằng chứng là những buổi triển lãm ảnh nghệ thuật xuất hiện nhiều hơn, được đông đúc giới trẻ tham gia chiêm ngưỡng.
Vậy còn nhiếp ảnh thương mại là gì?
Nhiếp ảnh thương mại là công việc sử dụng hình ảnh với mục đích kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cho cá nhân hay tổ chức. Hầu hết nhiếp ảnh thương mại là việc chụp ảnh cho quảng cáo, hoặc các sản phẩm kinh doanh của nhãn hàng, cũng có thể là những bộ ảnh với người mẫu thời trang, môi trường làm việc của nhân viên hay khoảnh khắc hấp dẫn và ngon mắt của đồ ăn,… Qua đó tác động đến việc bán hàng và phát triển hình ảnh của thương hiệu.
Ranh giới giữa nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh thương mại
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thì số lượng doanh nghiệp ra đời hàng năm ngày càng nhiều. Chính vì thế mà nhiếp ảnh thương mại có thể xem như thể loại phổ biến và dễ bắt gặp nhất hiện nay. Nếu mang trong mình tâm hồn nghệ thuật để bước vào bộ môn này, bạn rất có thể “vỡ mộng" với những yêu cầu, quy chuẩn của ảnh thương mại. Vì mục đích của hình ảnh thương mại là để hỗ trợ kinh doanh đem lại lợi nhuận cho cá nhân hoặc tổ chức nên tất nhiên việc chụp sao cho nổi bật sản phẩm, chi tiết rõ nét luôn là điều kiện tiên quyết. Trái lại, chụp hình nghệ thuật lại chú trọng nhiều hơn đến câu chuyện, tính độc đáo và tính liên kết khi nhìn tổng thể, nên thành ra không thường chú trọng vào 1 thành phần cụ thể.
Tuy khác nhau là thế, nhưng nếu “ăn may" bạn sẽ có cơ hội được kết hợp sự nghệ thuật vào những bức hình thương mại, bạn sẽ được xây dựng câu chuyện để truyền tải thông điệp và chọn sản phẩm làm nhân vật chính. Đổi lại, đây sẽ là một bài toán khó khi ranh giới giữa 2 thể loại này rất mong manh, nếu tập trung quá mức vào câu chuyện thì sản phẩm sẽ dễ bị lu mờ, không đáp ứng được tiêu chí mà nhãn hàng mong muốn. Và ngược lại, nếu tập trung quá vào sản phẩm lại dễ khiến nó trở thành một bức ảnh chụp thương mại thông thường.
Tại Tattat, tụi mình chọn cả việc kết hợp nghệ thuật cùng thương mại và cả việc phát triển cả 2 song song. Chúng mình thực hiện những bộ ảnh nổi bật sản phẩm, đủ sáng và sắc nét, phù hợp để quảng cáo dành cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tụi mình vẫn thường “giải phóng” những ý tưởng với dự án cá nhân đầy sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa, thông điệp để truyền tới khán giả.
Dù chụp ảnh nghệ thuật và chụp ảnh thương mại là hai thể loại khác biệt, nhưng nếu biết cách kết hợp và cân bằng, chúng có thể là sự bổ trợ tuyệt vời cho niềm đam mê nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh nghệ thuật cho phép bạn thỏa sức sáng tạo và khám phá cảm xúc, trong khi nhiếp ảnh thương mại mang lại sự chuyên nghiệp và thu nhập bền vững. Thông qua đó, bạn không chỉ phát triển kỹ năng toàn diện mà còn tạo ra những tác phẩm vừa sáng tạo vừa có giá trị thực tiễn, giúp bạn tiến xa trên con đường nhiếp ảnh và duy trì niềm đam mê mãnh liệt.